top of page
Rechercher
Photo du rédacteurKon Tum Ngược Ngắm

THUYỀN ĐỘC MỘC TRONG ĐỜI SỐNG CỦA NGƯỜI DÂN KON TUM...

Ẩn mình trong màu xanh xanh của rừng núi bạt ngàn, Kon Tum luôn mang trong mình vẻ đẹp riêng của nó. Kon Tum đẹp bởi rừng núi trập trùng thăm thẳm, bởi tiếng suối ngày đêm róc rách bên tai, bởi dòng sông Đăkbla thơ mộng uốn quanh cả thành phố.

Bắt nguồn từ chân núi Ngọc Linh, xuôi theo hướng Đông - Tây rồi đổ ra sông Sê San hùng vĩ, sông Đăkbla hiền hòa đã làm nên nét độc đáo riêng cho mảnh đất cực Bắc Tây Nguyên này. Gắn liền với lịch sử con sông chảy ngược duy nhất ở Việt Nam, từ xa xưa, thuyền độc mộc đã gắn bó với đời sống sinh hoạt của người dân bản địa ven sông.

Mỗi buổi chiều, sau một ngày vất vả trên nương về, cha con A Dắc lại chèo thuyền để trở về nhà, nơi có gia đình đang đợi họ. Một lần đi cùng bố qua sông, tôi và bố được cha con họ cho đi nhờ. Cũng chính dịp đó là tôi được biết thêm một điều thú vị trên chiếc thuyền độc mộc này.


Ngay từ cái tên thuyền độc mộc cũng đã thu hút sự chú ý của tôi. “Độc” có nghĩa là “một”, “mộc” là gỗ. Thật thú vi phải không nào? Bởi để làm nên một con thuyền cần rất nhiều ván gỗ để ghép lại nhưng thuyền độc mộc chỉ được tạo nên từ một thân gỗ to, chắc nịch. Ấy vậy mà con thuyền ấy vẫn dũng mãnh xuôi theo dòng sông, vượt sóng vượt lũ, cùng đồng hành với người dân nơi đây.

Thuyền độc mộc hay còn gọi là “sõng”, tiếng Bahnar gọi là “Plung”. “Plung” ra đời từ khi nào? Không một ai biết rõ, chỉ biết nó đã đồng hành cùng dân tộc ta từ rất lâu rồi. Và hẳn là “plung” được làm từ đôi bàn tay khéo léo của tổ tiên người Bahnar để phục vụ cho chính đời sống sinh hoạt hằng ngày của họ.

Vừa chèo thuyền, bác A Dắc lại kể cho cha con tôi nghe: “Ngày xưa, thuyền là phương tiện đi lại chủ yếu của người Bahnar, Jarai nên nhà nào cũng có thuyền, bây giờ có cầu rồi, có đường sá rồi thì người ta không sử dụng thuyền nữa”

Tôi liền thắc mắc hỏi ngay: “ Thế sao bác vẫn gắn bó với chiếc thuyền này vậy ạ?” Bác ấy cười hiền từ trả lời tôi: “Bởi bác là con nhà làm thuyền, từ nhỏ, bác đã gắn bó với thuyền và bây giờ cũng vậy” Bác Dắc lại nói thêm: “Vẫn còn nhiều người đi thuyền như bác, nếu cháu đến đây vào sáng sớm, cháu sẽ thấy nhiều thuyền, người thi đi rẫy, người thi bắt cá, người lại chở lúa, chở thóc”

Bác còn cho biết thêm, thuyền độc mộc phải được làm nên từ thân gỗ lớn còn nguyên vẹn và đặc biệt phải là những thân gỗ chịu được nước. Phổ biến là loại Sao Cát nhưng tốt hơn cả vẫn là gỗ Rơ man, mọt mối không thể phá được. Công việc đục đẽo được thực hiện ngay trong khu rừng khi cây vừa được đốn hạ.

Để làm nên một chiếc thuyền vững chắc, theo như lời bác A Dắc, người thợ phải trải qua nhiều công đoạn và đòi hỏi một tay nghề tốt. Bởi nếu không khéo, cây gỗ sẽ dễ bị nứt. Thuyền độc mộc có kích thước khoảng 5 mét chiều rộng khoảng 0,5 mét. Và cũng chính bởi dáng nhỏ nhắn này mà già trẻ gái trai đều có thể chèo được thuyền. “Sõng” sau khi được làm xong sẽ được người thợ cột dây thừng thả ra bờ sông cho trôi về làng. - bác A Dắc nói.

Và cuối cùng chẳng mấy chốc, cha con bác A Dắc đã đưa chúng tôi cập bến an toàn. Cuộc trò chuyện tuy ngắn ngủi nhưng cũng đủ để tôi hiểu rõ thêm một phần đời sống của người đồng bào.

Tạm biệt bố con tôi, cha con họ vẫn cười thật tươi như lúc chúng tôi gặp họ. Hôm ấy trên đường về nhà, lòng tôi cứ suy nghĩ mãi về “plung”- về tương lai của “plung”.

Quả thật, theo lời của bác Dắc, ngày nay khi đã có cầu treo, đã có xe cô, đường xá thuận lợi thì thuyền độc mộc cũng càng trở nên xa dần với cuộc sống của người đồng bào. Khi rừng càng lùi xa, gỗ càng khan hiếm, những người thợ đóng thuyền cũng không còn gắn bó với thuyền độc mộc nữa. Liệu rằng 5 năm, 10 năm hay 20 năm nữa chúng ta có được thấy những chiếc thuyền độc mộc xuôi mái chèo trên sông nữa không?


Tôi đem tâm sự ấy hỏi bố. Nhưng thật lạ thay bố vẫn nhẹ nhàng trả lời tôi không một chút lo lắng: “Đúng thế, “sõng” dường như đang vắng bóng trên sông, nhưng làm sao người dân Bahnar chất phác hiền hậu ấy lại có thể quên đi người bạn cùng đồng hành với mình từ xưa đến đây được”

Đúng vậy, đi qua năm tháng, dù cuộc sống có đổi thay, nhưng tin chắc rằng thuyền độc mộc vẫn là một nét đẹp trong đời sống người đồng bào. Và ngày nay,hằng năm mỗi khi đến mùng 6 Tết m lịch, thì mọi người đều có dịp thưởng thức hội đua thuyền độc mộc. Hội đua thuyền là dịp để người dân có cơ hội chứng kiến nét đẹp đời sống sinh hoạt của người đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.


2 vues0 commentaire

ความคิดเห็น


bottom of page