top of page
Rechercher
Photo du rédacteurKon Tum Ngược Ngắm

[NHẠC CỤ DÂN TỘC] “ ĐỘC ĐÁO NGUỒN GỐC ĐÀN T’RƯNG”

Chuyện kể rằng, ngày xưa, xưa lắm, người Xơ Đăng thường bị thiếu đói, vì cứ đến mùa trồng tỉa thì chim chóc, thú vật lại đến phá hoại mùa màng. Cho đến một ngày, một chàng trai vô tình nghe thấy tiếng va đập từ hai ống nứa giữa con suối nhỏ tạo ra âm thanh đều đều bên rẫy lúa. Và lạ thay, chim chóc, thú vật không đến phá phách nữa.

Để ý mấy ngày liền, chàng trai vui mừng về báo cho cả làng biết. Đến mùa trồng tỉa, nhà nào cũng làm hai cây nứa, dùng sức nước cho va vào nhau, tạo ra âm thanh bên rẫy nhà mình để đuổi chim thú.

Nhưng chỉ được ít ngày, vì âm thanh phát ra quá đơn giản, những chú khỉ ma mãnh nghe quen tai, không còn sợ nữa, chúng lại tiếp tục kéo nhau về phá hoại mùa màng, người Xơ Đăng bèn nghĩ ra cách dùng nhiều ống nứa to, nhỏ, ngắn, dài khác nhau để kết thành bè, thành tầng và cũng dùng lực nước để các ống nứa tự va vào nhau tạo ra nhiều âm thanh trầm bổng.

Lần này thì các chú khỉ dù ma mãnh đến đâu cũng không dám đến gần vì nó nghĩ rằng chắc phải có sự điều khiển của con người, vì vậy ruộng rẫy lại tươi tốt, được mùa.

Từ đó trở đi, ở các rẫy xa hay ruộng gần, nơi nào cũng dựng lên một giàn ống nứa giống như giàn ống nứa chàng trai kia đã làm để đuổi chim muông, thú vật phá hoại mùa màng. Về sau, người ta cải tiến dần và trở thành đàn T’rưng nước như hiện nay.

Về cấu tạo, đàn T'rưng làm bằng một số ống tre lồ ô hay nứa có kích cỡ khác nhau. Có khoảng 12 đến 16 ống xếp thành hàng trên giá đàn theo thứ tự đi dần lên từ ống lớn đến ống nhỏ, từ ống dài đến ống ngắn. Chúng có đường kính từ 3cm đến 4 cm, dài từ 40cm đến 70 cm. Mỗi đầu ống đều bịt kín để tạo âm theo chuỗi hàng âm của người dân tộc.


Đàn t'rưng có âm vực rộng gần 3 quãng tám. Khi dùng dùi bằng gỗ hoặc bằng tre gõ vào các ống sẽ tạo thành âm thanh cao thấp khác nhau tùy độ to, nhỏ, dài, ngắn của ống.


Những ống to và dài phát ra âm trầm, còn những ống nhỏ và ngắn có âm cao. Âm sắc của đàn t'rưng hơi đục, tiếng không vang to, vang xa nhưng khá đặc biệt. Nghe tiếng đàn t'rưng ta có cảm giác như tiếng suối róc rách, tiếng thác đổ, tiếng xào xạc của rừng tre nứa khi gió thổi. Đó quả là một thứ âm thanh tươi vui mang đến cho người nghe sự hân hoan đến kì lạ.

Ngày nay đàn T’rưng đã được biểu diễn trong các lễ hội như “Ngày hội văn hóa các dân tộc Tây Nguyên”, “Đại Hội Đoàn”,...Đàn T’rưng đã được xuất hiện và phát triển ở nhiều nơi trên nước Việt. Âm thanh réo rắt, hân hoan của đàn T’rưng đã thực sự chinh phục lòng người.

Đàn T’rưng không những trở thành niềm tự hào của người con Kon Tum mà của cả các đồng bào Tây Nguyên nói chung. Mong rằng, với sức hấp dẫn của mình, đàn T’rưng có thể tiến xa hơn nữa trên các đấu trường âm nhạc quốc tế

•Video: Giáo phận Kon Tum


544 vues0 commentaire

Comments


bottom of page