Đến với Kon Tum đại ngàn, bạn có thể bắt gặp một vài hoặc rất nhiều tượng gỗ với hình thù khác nhau. Và việc những bức tượng gỗ này đứng trước những ngôi mộ càng làm mọi người tò mò hơn bởi xung quanh nó thêu dệt lên những câu chuyện nhuốm màu huyền thoại. Nếu ai lần đầu tiên đến đây, chắc hẳn sẽ có cảm giác như lạc vào một khu rừng huyền bí của một rừng tượng gỗ.
Theo như lời kể của người đồng bào: họ tâm niệm con người từ rừng mà ra đến khi chết thì con người cũng trở về rừng. Và họ tin rằng cái chết chưa phải là hết, chính vì vậy, những bức tượng này như một sự bày tỏ tình cảm đối với người đã mất. Từ quan niệm ấy, người đồng bào đã tổ chức một lễ hội rất đặc biệt. Đó là lễ “bỏ mã”. Lễ hội này đặc biệt bởi nó là lễ hội duy nhất có sự tham gia của cả người sống và người chết.
Tượng nhà mồ là vật không thể thiếu trong lễ “bỏ mã” của người dân Tây Nguyên. Trong ánh lửa bập bùng của ngày lễ, những bức tượng hiện lên xung quanh ngôi mộ trong không gian tĩnh mịch càng làm mọi người thêm tò mò. Vậy nguồn gốc của tượng gỗ có thực sự kì bí?
Theo các già làng, việc tạc tượng đặt ở nhà mồ xuất phát từ 2 truyền thuyết của người dân bản địa nơi đây. Một truyền thuyết kể rằng: Ngày xưa các vị tù trưởng giàu mạnh ở Tây Nguyên khi chết đều chôn theo người để hầu hạ. Thời gian sau đó họ dùng gỗ làm hình nhân thay thế cho người sống. Còn truyền thuyết khác kể về một cô gái xinh đẹp hát hay, múa dẻo nhất vùng được nhiều trai làng thầm yêu trộm nhớ. Đột ngột cô gái qua đời, có một chàng trai vì quá yêu cô gái nên đã ngồi khóc bên mộ cho đến chết và hóa thành tượng gỗ canh giữ, trò chuyện với cô gái hàng ngày.
Xúc động trước tình cảm chân thành của chàng trai dành cho cô gái mà ngày nay để chuẩn bị chia tay người chết trong lễ “bỏ mã”, người dân thường vào rừng chặt cây gỗ to, rồi khắc, đẽo tượng ra những hình thù vô cùng độc đáo. Theo như nghệ nhân làm tượng nhà mồ “ cái bụng phải tốt, mắt phải sáng mới tìm được thân gỗ tốt, đẽo cái tượng nó mới đẹp, con quỷ dữ sẽ không dám quậy phá linh hồn người chết”. Bởi đẽo tượng không chỉ cần những bàn tay tài hoa mà con người còn thổi linh hồn vào những bức tượng ấy.
Những hình thù được khắc trên tượng thường là những hoạt động trong đời sống sinh hoạt hằng ngày của người đồng bào. Đó có thể là hình ảnh người mẹ cõng con trên lưng, là người đàn ông cầm ché rượu cần hay đơn giản chỉ là khuôn mặt một người đang trầm tư suy nghĩ…
Tượng gỗ có ý nghĩa là hình bóng thay thế người sống để bầu bạn, để người chết được vui vẻ hạnh phúc vì mình được quan tâm, được chia phần để không còn về quấy phá người đang sống.
Tượng nhà mồ là một công trình nghệ thuật độc đáo của người dân Tây Nguyên. Mỗi bức tượng được ra đời đều là trí tưởng tượng phong phú, độc đáo và tài hoa của mỗi nghệ nhân tạc tượng.
Loanh quanh cả thị trấn Kon Tum , chúng ta còn có thể thấy được tượng nhà mồ ở rất nhiều nơi: trong bảo tàng, trong nhà văn hóa, hoặc thậm chí trong quán cà phê, tượng nhà mồ cũng được người dân trang trí trong quán như một nét độc đáo, đậm chất Tây Nguyên. Tuy nhiên, tượng gỗ chỉ thực sự kì bí và thể hiện hết linh hồn của nó khi đứng trước những ngôi mộ của người đồng bào Kon Tum nói riêng và Tây Nguyên nói chung.
Kommentarer