“Bởi lần đầu em đến quê anh
Anh đưa em xem phố núi yên lành
Kon Tum nhỏ bởi lòng thung nhỏ
Chầm chậm thôi vội bước chi nhanh…”
Đôi câu thơ của bác Tạ Văn Sỹ dường như đã thể hiện được nét đẹp bình yên của một đô thị nhỏ. Đến với Kon Tum, ta không chỉ được thả hồn mình vào rừng núi bạt ngàn, để cảm nhận sự yên bình của làng quê, khám phá nét đẹp cổ kính của nhà thờ gỗ hay tòa giám mục, mà ta còn có cơ hội “lang thang” vào những làng nghề truyền thống để hiểu hết cuộc sống, hiểu hết phong tục của người đồng bào- những con người đã sống hết mình với mảnh đất Kon Tum.
Lớn lên trên mảnh đất này, tôi vô cùng tự hào bởi quê hương mình không chỉ có cảnh thiên nhiên hùng vĩ, mà thành phố Kon Tum còn được bao bọc bởi các làng nghề truyền thống mà bao năm qua đã trở thành nét riêng của đất và người nơi đây.
Ở Kon Tum khi nói đến nghề truyền thống của dân tộc thiểu số, về đan lát, ta không thể không kể tới làng Kon Tum Kơ Pâng. Còn khi nhắc đến dệt thổ cẩm, nức tiếng nhất có lẽ là làng Konlor.
Chiếc xe lăn bánh đưa tôi đến làng Konlor ( đường Bắc Kạn-phường Thắng Lợi), theo sự hướng dẫn của dân làng, tôi tìm đến nhà bà Y Peo- một nghệ nhân dệt thổ cẩm nổi tiếng của làng. Gặp được bà tôi vui lắm, bà cũng đón tiếp tôi niềm nở. Rồi bà kể cho tôi nghe chuyện ngày xưa, nhà nào cũng có khung cửi, cũng dệt vải để mặc hoặc để bán.Người đồng bào quan niệm rằng: “Gái lớn lên phải biết dệt vải, trai lớn lên phải biết đan giỏ”. Vì thế, ngay từ khi còn nhỏ, những bé gái ở đây đã được các bà các mẹ dạy cho cách dệt vải. Nhưng ngày nay, khi cuộc sống hiện đại hơn, người ta chỉ thường dùng trang phục dân tộc khi đến ngày Tết hay lễ hội thì dân làng cũng ít dệt hẳn. Người còn giữ nghề trong làng rất ít, nhưng đối với bà Y Peo, tôi thấy rõ sự tâm huyết của bà, và trong suy nghĩ tôi biết bà sẽ mãi trung thành với nghề dệt, bà sẽ vui vẻ kể với bất cứ ai về công việc của bà như cách bà đang kể với tôi vậy.
“Bà già rồi, có lúc bà cũng nghĩ sẽ không làm nữa. Nhưng vì làm dệt mấy chục năm nay, không làm nữa, bà thấy buồn” - Bà chia sẻ với tôi.
Đôi tay rất nhanh nhẹn dệt, những đường chỉ, hoa văn được bà sắp xếp, dệt vô cùng thẩm mỹ. Từng chi tiết, hoa văn đều được bà tỉ mỉ dệt.
Nhìn thấy những công đoạn công phu của dệt vải, tôi hỏi bà: “Bình thường thì mình dệt xong mất bao lâu vậy bà?”
“Nếu dệt cho người lớn mất gần 2 tuần, còn cái này bà dệt cho cháu bà đi học thì tròn 6 ngày chẵn”. Bà còn kể thêm: “Mỗi lần có khách đặt bà vui lắm, vì lúc đó bà được làm công việc mình yêu thích mà còn kiếm được chút tiền mua bánh cho cháu”
Những lời chia sẻ của bà thật giản dị nhưng lại để trong tôi nhiều suy nghĩ. Liệu rằng, cái nghề truyền thống này trong tương lai có ai tiếp nối không? Và không biết rằng thế hệ trẻ chúng ta có từng ngoảnh mặt lại để nhìn lại những giá trị truyền thống này không?
Thế mới thấy là.vai trò của người bà người mẹ rất quan trọng trong việc bảo tồn truyền thống bởi họ chính là người góp phần gìn giữ và truyền đạt nghề thổ cẩm cho gia đình.
Tạm biệt ngôi nhà nhỏ xinh, tạm biệt bà Y Peo, mà trong tôi vẫn còn đọng lại nhiều cảm xúc. Ngày hôm ấy, tôi xúc động vì sự nhiệt tình, chất phác của bà, tôi bất ngờ vì bên trong những con người bình dị ấy là cả một lòng tâm huyết với nghề. Mong bà sẽ luôn mãi khỏe mạnh để tiếp tục với nghề cũng như có thể truyền lại cho con cháu để cái nghề đã ăn sâu trong cuộc của người đồng bào sẽ không bị quên lãng.
Ngày nay, cứ mỗi khi tới lễ hội, khi đến nhà rông Konlor chúng ta sẽ luôn thấy những cô gái, chàng trai Bahnar, Xơ Đăng xúng xính trong những chiếc áo mới, cùng nhau nhảy múa hát vang trong tiếng cồng chiêng vang vọng cả núi rừng. Không những thế, vào mỗi sáng thứ 2, nếu để ý trên con đường Trần Phú - Nguyễn Huệ chúng ta sẽ bắt gặp những em bé đang tay trong tay đến trường cùng bộ trang phục của dân tộc mình. Mỗi em mang một màu sắc khác nhau tạo nên vẻ đẹp cho phố núi Kon Tum này. Mong rằng trong tương lai, ta vẫn sẽ được nhìn thấy hình ảnh các em nhỏ, các cô gái trong trang phục độc đáo của dân tộc mình. Hơn nữa, chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng những bộ trang phục đặc sắc ấy qua tivi khi mà nghề dệt thổ cẩm được bạn bè quốc tế biết đến.
Kommentare